Thứ Tư, 27 tháng 5, 2015

100 ngày bố đi

 




                                                                        Cha tôi ở chiến trường Quảng Trị năm 1966




   Đến ngày 29 tháng Năm này là 100 ngày Bố ra đi. Nói dại mình cũng muốn được đi bằng cái tuổi của Cụ-kém 3 tiếng đồng hồ đầy 90 tuổi. 21 giờ đêm 30 Tết Ất Mùi Người đi mà không nói điều gì. Sáng hôm ấy Người muốn mà không nói được. Trước hôm ra đi hai tuần Người đã không nói mà chỉ nhìn con cháu rồi nước mắt ứa ra mặc dù Cụ đã có chắt đích tôn. Hai năm bốn tháng tròn nằm trên giường bệnh nhưng lúc nào cũng một câu hỏi đầu tiên khi gặp con  là : "Quân ấy thế nào" (ý Cụ là mấy đứa cháu và bốn đứa chắt thế nào) và câu tiếp theo :"Tình hình chính trị có gì không?". Cụ đã rất buồn khi biết tin Trung Quốc gây hấn trên biển Đông. Chỉ buồn thôi vì Người đã được T.Q cưu mang khi học lục quân Khóa Bảy mấy năm ở bên đó. Hồi trẻ Cụ đã học Nho sau đó mới học Tây. Rất sành văn chương Tàu và làm thơ cả bằng chữ Hán nữa. Anh em mình đang tính xuất bản tập thơ bằng chữ Hán của Cụ. Mấy năm chú em cấm vận thông tin với Cụ, nó không cho xem ti vi và nghe đài vì cụ rất dễ bị xúc động khi bắt gặp những thông tin gây tác động tâm lý. Có lần cho Cụ hay tin anh Hồ Đức Việt mất Cụ mất ngủ mấy ngày liền. Sinh thời Cụ bảo: "Con là trưởng nhưng làm cái nghề "mặt sắt đen sỳ" (ý Cụ là nghề tư pháp-mượn chữ trong Kiều của Ng.Du) nên bố mẹ không ở với con, thằng em là bác sỹ bố cho nó ở với bố mẹ". Nó cấm vận thông tin Bố mấy năm trời vì nó là bác sỹ, nó quên mất rằng chữa bệnh không chỉ có thuốc mà tinh thần còn hơn cả thuốc, còn chết ư? có số rồi, trời định cho mỗi người một cách chết và một thời khắc để ra đi. Thế nên Cụ còn thiếu 3 giờ đồng hồ nữa mới sang tuổi 90.
      "Khóc như cha chết" là thành ngữ của người Việt để nói lên sự buồn thương trong những mất mát lớn của đời người. Vậy mà Bố mất mình không khóc, cả thằng đích tôn của Cụ cũng vậy. Hại cha con đun nước gừng lên rồi cùng nhau tắm rửa cho Cụ, thay quần áo mới,chải đầu, cạo râu và làm tất cả mọi việc cần làm. Đúng 22 giờ xe nhà tang lễ đến đưa Cụ đi vào nhà lạnh. Đến tận bây giờ mình cũng không giải thích được vì sao mình đã không khóc mặc dù trong nhà mình là người sống với Cụ nhiều nhất (Mẹ mất trước Bố 6 năm 2 tháng 10 ngày, nếu không tính xa cách do hai cuộc kháng chiến thì Mẹ sống với Bố gần 60 năm thôi). Ngoài việc Bố cho mình cuộc đời này, mình với Bố còn có nhiều sự gắn bó mà không phải ai trong gia đình cũng có. Đặc biệt Cụ có ngày vào đảng Cộng sản cùng với sinh nhật của mình, tuổi đảng của Cụ là tuổi đời của mình. Khi đi học vỡ lòng mình đã theo Bố ra kinh thành Thăng Long. Chiến tranh, giặc Mỹ leo thang ra miền Bắc mình lại theo Bố về khu Bốn rồi chính tại quê hương Người đã tiễn mình ra trận bằng bài thơ Tiễn con mà cô Linh Nhâm cứ thường ngâm trên sóng đài tiếng nói Việt Nam trong rất nhiều năm thời đó. Mình thường nói với đồng đội mỗi khi nghe cô Linh Nhâm ngâm bài thơ thời còn ở chiến trường rằng đó là bài thơ "xui dại", mình vì nó mà gặp các cậu ở đây. Mãi sau này khi bạn bè và đám lính cũ gặp nhau có đứa vẫn ngâm nga vài câu để nhớ một thời đám "hậu duệ" của các quan đều phải biết hy sinh trước thiên hạ. Ngẫm thời nay mấy cha Cộng sản "DỎM" chỉ là bọn vớ vẩn khi tìm mọi cách để kiếm chỗ cao sang cho con cái. Đảng ngày nay nó bị dân mất tin vì sự thoái hóa của đám cộng sản cơ hội.đó. Mẹ kiếp! Bao giờ Đảng như ngày xưa nhỉ?
       "Sáng nay con ra đi
      Mẹ tiễn con mang hương đồng lúa chín
      Mang nụ cười sang sông lưu luyến
      Trong nón chung chiêng ngày trước tiễn cha
      Mẹ mang theo ánh nắng quê nhà
      Mẹ mang cả tình thương của mẹ
      Bóng nôi đưa, tiếng ru hời nhè nhẹ
      Như cánh cò bay lả bay la.
   
      Sáng nay con ra đi
      Em nhỏ của con đến trường  mang theo cờ đỏ
      Mang sách trắng tinh, điểm từng nét vẽ
      Mang bóng trường làng con học năm xưa.
      Loi thoi hàng dương, lấp loáng cành dừa.
      Mỗi bước lon ton, mỗi lời thỏ thẻ.
      Chúng muốn gửi anh cả tuổi thơ bập bẹ.

      Sáng nay con ra đi
      Cha đứng uy nghi dáng người chiến sỹ,
      Cha đồng chí đón con đồng chí,
      Cha trao con chiếc mũ đính sao vàng
      Sao lung linh từng bước dẫn đường.
      Cha trao con đôi dép lốp
      Dép từng đi chiến trường Nam-Bắc
      đạp xác thù, đạp chông gai
      Dép theo cha vượt suối, dốc dài.
      Cha trao con chiếc que xâu dép
      Của người bạn anh hùng hy sinh trên Rú Quyết
      Nghĩa người thân con hãy nhớ công ơn
      Người dọn đường, lấy máu giữ quê hương.
   
      Cha muốn trao con tất cả
      Sông nước, đất trời, mây gió
      Trái tim thắm đỏ một màu
      Giữa nắng Thu- vàng lên đỉnh ngọn cây cao.
      Đi đi con bạn bè con đang đợi
      Tiếng súng xa như gọi
      Con đi chân cứng-đá mềm"
     
        Chính lúc này đây, chép lại bài thơ cũ của cha, mình lại ngân ngấn lệ không chỉ vì thương cha phải đưa đứa con đầu lòng yêu quý của mình đi ra mặt trận để rồi nó có thể không bao giờ trở về. Mình thương một thời vì Tổ quốc thiêng liêng mà cả dân tộc ra trận không một ai tính toán thiệt hơn. Ôi một thời cực kỳ vỹ đại, thời đó nay đâu?
      Nhiều đêm không ngủ mình cố lý giải cho việc Bố mất mà mình không khóc và rồi mình nghĩ "Với mình Bố vẫn đang đi vắng như ngày xưa Bố vẫn làm lính và ra đi", nhất là cách đây vài năm, trong tác phẩm mới nhất của Bố "Mặt trời đồng đội" có bài Lời dặn
       "Nếu ta nằm lại nơi này
       Lặng im như đất nuôi cây đến già.
       Ta là lính, đâu là ma
       Lễ nghi xin chớ rượu, gà, oản, xôi.
       Xin đừng vẽ ảnh bôi môi
       Huân chương hai mặt cũng thôi đừng cài,
       Đừng đưa lên báo lên đài
       Nghĩa trang Mai Dịch* cho ai nghe nhầm.
       Xin đừng ai viết điếu văn
       Ngợi ca công đức tháng năm vật vờ.
       Cũng đừng khắc tên nhà thơ
       Vào nơi cát bụi nương nhờ hoàng hôn.
       Thi hài ta đưa về chôn
       Dưới chân Thiên Nhẫn** bên cồn Thám Hoa,
       Đất vàng ấm mộ mẹ cha
       Nghĩa tình làng xóm gần xa nối đời,
       Chè xanh ngát đậm hương trời
       Sông Lam sóng vỗ ru lời đò đưa.
       Ta nằm ôm bóng trăng xưa
       Mới hay tất cả như chưa biết gì."

Bài thơ của Cụ, mình tâm đắc nhất câu kết. Khi nằm xuống coi như mình chưa sinh ra, chưa biết điều gì. Sinh thời Cụ nghiên cứu nhiều về Lão Tử-vi vô.
.........
   * Nhà Bố-62 phố Mai Dịch, ở đó có nghĩa trang phường Mai Dịch và nghĩa trang "quan lớn" cùng tên
   ** Dãy núi nằm giữa Nam Đàn (Nghệ An), Hương Sơn và Đức Thọ (Hà Tĩnh), nơi có thành Lục Niên-căn cứ kháng chiến của Cụ Lê Lợi.
     

16 nhận xét:

  1. Cho em thấp nén nhang trong ngày 100 ngày của cụ anh nhé.
    Hình như anh viết còn danh dở ? Mà nói anh cái này nè, có lẽ hơi vô duyên anh k la em nhá , nhưng ... Anh mà muón đc như cụ là k dại đâu. 90 tuổi là thọ lắm lun rùi á. Ông nội em mất hồi 78 tuổi thôi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn em đã chia sẻ với anh. Bận bịu quá anh chưa viết tiếp được.

      Xóa
  2. Thành kính phân ưu, Giáo làng Chiềng hiểu nỗi buồn này cách đây ngót 30 năm bác Thái ạ

    Trả lờiXóa
  3. Nhờ bạn thắp một nén nhang...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn Nguyên, Tôi thắp thay bạn đây.

      Xóa
    2. Cụ quả là một đảng viên, một cán bộ mẫu mực. Xin kính cẩn nghiêng mình khi bách nhật cụ. Thắp giùm Song Thu một nén nhang thơm trên ban thờ để thể hiện niềm trân trọng, ngưỡng mộ cụ nha anh Hồ Quốc Thái.
      Song Thu hiểu và chia sẻ cùng anh vì nỗi đau mất ba và cả vì những giọt nước mắt lặn vào trong của anh đó

      Xóa
    3. Cảm ơn chị Song Thu nhiều nhé. Đã thắp giùm chị và cầu nguyện Cụ phù hộ cho chị đấy!

      Xóa
  4. Chia sẻ cùng anh nỗi mất cha, mẹ em cũng tròn 100 ngày dịp tết âm lịch, còn ba em giỗ đầu tháng tư vừa rồi
    Những bậc tiền nhân đều về với suối vàng cả, mong các cụ an lạc miền xa thẳm
    Chúc anh bình yên nhé !

    Trả lờiXóa
  5. Cảm ơn Bạch Dương, Chúng ta bây giờ đã là những "đứa trẻ" mồ côi rồi đấy.

    Trả lờiXóa
  6. Em lâu lắm không vào blog. Đọc bài này, cho em gửi lời với anh nhé.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn Tiêu Phong, lâu rồi mới gặp. Chúc mọi điều tốt đẹp Tiêu Phong nhé!

      Xóa
  7. Trước đến giờ hay gặp anh trên mấy trang nhà , hôm nay vào nhà lục tung lên đọc , tính còn thăm dò chưa coment , nhưng đọc đến bài này thì trong lòng được giải toả được nỗi e dè khi vào đọc một nhà mới .
    Chia sẻ cùng nỗi buồn của Anh , nhưng Anh còn hạnh phúc hơn trăm lần Salam , bố của Anh còn sống đến 90 tuổi và Anh còn có dịp báo đáp công dưỡng dục sinh thành . Salam đọc xong tắt máy ngồi khóc như một thằng Ngẩn , tại sao như vậy ? Là vì Salam nhớ đến Cha Mẹ mình mất mà chưa được con cái báo hiếu
    Anh biết không ? Cha Salam mất năm 1991 ( 66 tuổi ) Mẹ mất 1994 ( 68 tuổi ) về hưu chỉ được mấy năm . Hồi đó cả xã hội đói rã họng , cũng vì lo bươn chải lập nghiệp ở phương xa , tàu xe cách trở vì thế chỉ gửi được tiền về thôi , không được sớm hôm chăm sóc Cha Mẹ . Hai lần Cha , Mẹ mất Salam đều có mặt vuốt mắt cho hai người , cũng giống như Anh Salam không khóc được . Hôm nay đọc bài viết của Anh tự nhiên nước mắt cứ chảy ròng ròng . Thương Cha , Thương Mẹ hồi xưa khổ sở , nay con cháu đã thành đạt thì không được hưởng phúc cùng nhau ... Cảm ơn anh về bài viết tri ân về những bậc sinh thành .. Thank' s

    Trả lờiXóa
  8. Cảm ơn Salam, cho mình chia sẻ với bạn nhé!

    Trả lờiXóa
  9. CÓ những người cha luôn là niềm tin, là chỗ dựa, là thần tượng để con cái tự hào và noi theo. Nhưng trên thức tế cũng có những người cha lại là một nỗi nhục làm cho con cái thậm chí con k muốn nhìn mặt họ... Chúc mừng anh có một người cha để cho con cái soi gương và thương nhớ mãi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn em đã chia sẻ với anh. Anh có người cha rất đáng tự hào mặc dù "thế lực vô hình" đã làm cho Cụ khổ sở. Đi lính 30 năm mang quân hàm đại úy vì bố vợ (ông ngoại anh) bị CS hàm oan.

      Xóa