Thứ Bảy, 18 tháng 5, 2019

hồi hương ngẫu thư
 


        Thiếu tiêu ly gia, lão đại hồi
        Hương âm vô cải, mấn mao tồi

        Nhi đồng tương kiến bất tương thức

        Tiếu vấn: khách tòng hà xứ lai?


       ...thơ Đường-Hạ Tri Chương
         

     
      ngẫu hứng về quê


        Nhỏ đã xa quê, già về lại
        Giọng nói còn nguyên, tóc trắng rồi

        Trẻ con nhìn thấy mà không biết

        Cứ hỏi: Ông từ đâu đến chơi?


       ...dịch thơ Hồ Quốc Thái.


Thứ Tư, 30 tháng 5, 2018




       

chia tay tháng tư


       
Thôi cũng đành chia tay nhé tháng Tư
Hoa loa kèn vương trắng hương thương nhớ
Đã nghe đâu đây mầm phượng hồng tách vỏ
Tháng Năm chào căng ngực kiêu sa.
         
Còn bao nhiêu lưu luyến tháng Tư
Chút rét Nàng Bân níu kéo mùa đông cũ
Tiết thanh minh dập dìu tơ liễu,
Hoa gạo rơi, tu hú gọi nhau về.
         
Nhắn với người trót lỡ hẹn tháng Tư
Thì gắng đợi đến cuối mùa xuân tới
Chầm chậm nhé, đi đâu mà vội
Hoa cỏ may sẽ vương vào áo thôi mà.
         
Nghe ai cười khúc khích trước mùa thi?
Trang sách khép dấu câu thơ vội vàng ngớ ngẩn
Chàng ngố ơi! tưởng mình là gì mà hò hẹn
Đường còn dài ...hãy đợi đấy ngày mai.
         
Sao cứ dùng dằng không nỡ chia tay
Biết là nhớ rất chi...khắc khoải
Lúc giao mùa đất trời còn bối rối
Tháng Tư ơi!
     Hẹn gặp lại!
          Chào nha!
                          
    Hà Nội 30.4.2018



Thứ Tư, 30 tháng 11, 2016




SÀI GÒN CÓ THU KHÔNG EM

Sài Gòn em đã thu chưa nhỉ?
Hạ như đang vương vít đâu đây
Lác đác đỏ cuối cành phượng vỹ
Gió còn văng vẳng tiếng ve gầy.

Sài Gòn em có thu về không nhỉ?
Nghe hàng me lá cứ rụng lâm thâm
Bến Nhà Rồng người đi người ở
Sao mắt có em giọt nhớ xa xăm.

Sài Gòn cũng có thu em nhỉ?
Thấy em choàng áo đợi heo may
Những con phố chìm trong mưa đổ
Thảo cầm viên vài chiếc lá phong bay.

Giá như không thu Sài Gòn em nhỉ?
Gửi chút thu Hà Nội vào em
Một vạt nắng vàng trên phố cổ
Để cho em rải nắng lên thềm.

Hay trộn lẫn thu Sài Gòn Hà Nội
Để vàng me với đỏ lá bàng
Cho Nhà Bè đừng chia hai ngả*
Mình ngước về nhau cùng đợi thu sang.

Hà Nội 11.10.2016
....
*Nhà Bè nước chảy chia hai
Ai về Gia định Đồng Nai thì về.
Hiển thị bớt
2 ảnh

Chủ Nhật, 6 tháng 11, 2016

     



            BIỂN KHÔNG CÓ EM





                                                                                                                                                         Cà Ná-Bình Thuận.


Không có bờ hỏi sóng vỗ vào đâu
Sóng dào dạt muôn phương không bờ sao vỗ được
Không có em, anh là con chim cuốc
Khắc khoải năm canh gửi gan ruột vào đêm.

Không có bờ sóng có vỗ vào mây?
Không có em anh vỗ vào sóng vậy,
Dẫu thẳm sâu biển vẫn còn có đáy
Không có em, anh làm gió lang thang.
                 
                        Em đi đâu để biển thành trống vắng
                        Anh tự làm bờ, tự làm sóng vỗ vào nhau.
                        Không có em, chỉ còn biển lặng
                        Cát trắng ngày xưa có phải đã đổi màu?

Khi vắng em biển cũng bồi hồi thao thức
Tự đáy sâu nghe có tiếng rì rầm,
Anh đem sóng trải lên miền ký ức
Bến bờ xa anh hóa đá. Trầm ngâm.







Thứ Tư, 27 tháng 7, 2016





ĐÃ THẤY THU VỀ


Trời nhẹ nghiêng chào giải lụa mây xanh
Một giọt thôi mà thay màu chiếc lá
Chút hơi may đã làm vàng nắng hạ
Có ai buồn khi nghe gió thu reo?

Chiều hôm ta thủng thẳng xuống chân đèo
Trăng trên núi cũng bước theo từng bước
Dòng suối nhỏ tiếng trẻ đùa giỡn nước
Thấp thoáng trong sương có bóng giai nhân.

Xóm nhỏ lao xao khóm trúc tần ngần
Lữ khách ơi người đi từ đâu tới
Mái rạ nhà ai khói lam chới với
Quán bên đường rượu quê ấm bờ môi.

Thu chớm về và hạ cũng dần trôi
Dìu dịu gió, dìu dịu lòng thương nhớ,
Hàng phượng vỹ trút hết màu hoa đỏ
Sơn nữ chờ biêng biếc nụ thu xanh.







Thứ Bảy, 9 tháng 7, 2016

NGÀY CỦA CHA
Mãi đến 7-8 tuổi mình mới biết mặt cha. Ông ra lính từ khi mình đang đỏ hỏn (bà nội và mẹ nói với mình như vậy). Theo gia phả thi họ Hồ ở làng Trung Cần di từ Quỳnh Lưu về từ thời Lê Trang tông. Cụ tổ Hồ Quý Dung là quan trọng thần nhà Hậu Lê. Cụ giữ chức Tả quốc thự vệ, tước bá. Sự di dời ấy là để thụ lộc vua ban. Mấy đời sau cũng có nhiều cụ thành đạt nhưng rồi thất truyền mất 12 đời. Một dân tộc, một triều đại, một dòng họ hưng thịnh và suy vong là chuyện "cũng thường thôi".
Ông nội mình là tá điền, bố mất sớm nên cháu lớn lên cùng ông nội (người mà mình gọi bằng can-cũng từng theo phục dịch một đoàn sứ giả sang yết kiến triều Thanh bên Tàu). Nhà nghèo nhưng cũng học được ít chữ Nho, cụ là người hiếu học, sau này cụ được học mấy chữ quốc ngữ nên Cụ Hồ tặng cho bức ảnh có ghi dòng chữ: "Tặng chiến sỹ diệt dốt". Cha mình là con nhà nông dân nhưng ông nội mình đã nghĩ rằng: muốn thóat kiếp làm nô lệ thì phải có học nên cha mình được đi học từ bé, hết Hán học lại Tây học. Học Tây đến Đệ nhị thì cha ra lính. Sau này về QK4 Người còn học hàm thụ khoa Văn ĐHSP Vinh.
Học xong Lục quân khóa VII bên Tàu, ở lại trường làm trợ lý văn hóa cho đến khi Lục quân về đóng trên đường Tàu bay (bây giờ là con đường có khúc cong mềm mại-Trường Chinh) và nhận được cái giải 3 về thơ (tập Chiến sỹ-bác Tố Hữu giải nhất tập Việt Bắc, bác Xuân Diêu giải nhì tập Ngôi sao) trong cuộc thi của Báo VN năm 1956-1957 thì cha mới về quê và mình biết mặt cha (đúng nghĩa) từ đó. Rồi cũng từ lần đó mình được cùng cha ra Hà Nội, về Sơn Tây theo trường sỹ quan Lục quân. Sống với cha trong trại lính một thời gian không nhiều vì trại lính không thể dung nạp bọn con nít, mình phải sống trong những gia đình bạn bè của cha ngoài thị xã Sơn Tây hay trong thôn Trại Láng , Cổ Đông (lúc bấy giờ còn gọi là huyện Tùng Thiện). Dù không nhiều nhưng hàng tuần mình cũng được gặp cha. Với cách sống của mình như vậy nên sau này mình bị ảnh hưởng nhiều thứ và hình thành nên tính cách: "trợn mắt coi khinh ngàn lực sỹ" (như ông vẫn bảo mình vậy lúc sinh thời). Làm thế nào được khi một thằng bé 7-8 tuổi con một anh lính làm văn nghệ và sống tự lập. Tuy trẻ con hòa nhập nhanh nhưng một thời gian sau khi từ Nghệ đi ra Bắc mình vẫn dùng Nghệ ngữ là chủ yếu. Bọn trẻ con Bắc kỳ luôn chọc ghẹo mình để mình dùng Nghệ ngữ với chúng. "Mả tổ cố mi troi đục nát xương" là câu chửi của mình mỗi khi bị đứa lớn hơn bắt nạt. Bọn Bắc kỳ cứ há hốc mồm ra nghe chửi mà nỏ biết cấy lộ khu chi cả. Với bọn choai choai như mình mà bắt nạt mình thì tất nhiên là "xung đột vũ trang" xẩy ra. Cũng rất may là khi đó mình luôn đứng trong top 5 hàng tháng của lớp nên thầy chủ nhiệm tha thứ cho "hành động bạo lực". Mình học nói tiếng Bắc rất nhanh nên mấy tháng sau mình chuyển đến trường khác bon nhóc Bắc kỳ không còn nhận ra mình là Nghệ kiều. Đến bây giờ nếu như mình không cố ý dùng Nghệ ngữ thì chẳng ai biết mình là Nghệ. Mình ở Bắc cho đến khi người Mỹ (lúc ấy gọi là đế quốc Mỹ) nhăm nhe đưa hàng vạn lính Mỹ vào VN thì cha mình được điều động về QK4 và rồi sự ảnh hưởng của cha đối với mình lại càng nhiều hơn. Khi hai cha con đều trong quân ngũ và cho đến sau này cha mình trở lại Hà Nội công tác ở Phòng Văn nghệ thuộc Cục Văn hóa TCCT tại số 4 Lý Nam đế thì cha con càng gần nhau, càng ảnh hưởng đến nhau nhiều hơn, lúc này có thể nói như vậy vì giới văn nghệ như cha thì tư duy lúc nào cũng "treo trên cành cây" còn mình thì như cha bảo "mặt sắt đen sỳ" (vì mình làm cái nghề "thợ bạc"-tư pháp) với lối tư duy "ngói khô" và trái tim lạnh buốt của cái gọi là CCVS, một loại chuyên chính đào tận gốc, trốc tận rễ cái đám trí phú địa tất nhiên cả bọn cường hào (thời trước, còn bây giờ cường hào nhiều lắm mà không "trốc" được thằng nào. Cha mình bị cái chuyên chính ấy dày xéo cho đến tận cuối đời vì bố vợ (ông ngoại minh) bị Vô sản nó chuyên chính những hai lần do tội đi buôn bán với Tây trước khi VS nắm quyền thống trị. 
Ra khỏi quân ngũ, con đường của mình rất thênh thang, cha định cho mình đi Đại học kỹ thuật quân sự-lúc đó trường ở Vĩnh Yên, mình bảo hết chiến tranh rồi, con không theo nghề lính nữa cho dù là sắc lính gì. Rồi cha kéo vào trại viết của Hội nhà "veo", mình bảo không có tài và không có dũng khí thì cũng chỉ là "bồi bút' bởi chế độ nào nó cũng uốn ngòi bút để phục vụ nó. Lại bảo: hồi xưa mơ Bách khoa giờ quay lại đó, thưa: Một thằng lính trận mạc như con nay quay lại đó với bọn con nít "củ chi" chưa có lông thì không được. Thế là tự chọn cho mình cái nghề "thợ bạc" vì nói cho công bằng là muốn chui vào tận bếp núc của cái nghề đó xem CCVS nó thế nào mà con người bị đày đọa kinh khủng thế. Gần 40 năm là "thợ bạc " mới nhận ra rằng ông Nguyễn Bá Thuyền (cũng là "thợ bạc")-đại biểu QH của Lâm Đồng nói đúng bản chất: "quyền lực, tiền bạc, tình cảm đi vào thì công lý cắp cặp đi ra". Chuẩn đến thế là cùng. Công lý thực ra chỉ là thứ ma túy để ru ngủ đám quần chúng cùng khổ nhẹ dạ, cả tin nhằm phục vụ sự thống trị, một thứ để huyễn hoặc thôi mà.
Tào lao thật, ngày của cha mà nói về mình nhiều thế. Con xin lỗi cha, vắng cha đến ngày hôm nay là 16 tháng một ngày rồi. Hôm nay là ngày Rằm tháng Năm (âm lịch), con đã thắp hương nơi bàn thờ. Con viết mấy dòng này để giãi bày rằng con là con của cha, con bị ảnh hưởng cha nhiều lắm, con chỉ ân hận là suốt đời làm "thợ bạc" mà không xóa hận được cho ông ngoại con và cho cha. Con biết rất rõ rằng: nỗi day dứt của cuộc đời mà cha ôm súng và cầm bút cho cái lý tưởng CNCS cao cả thì chính cái lý tưởng ấy quật cha ngã hay đúng hơn là không cho cha ngửng lên được chỉ vì giai cấp, ông nội con muốn cha không phải làm nô lệ nhưng cha đã không thoát khỏi sự nô dịch của một thứ lý tưởng mơ hồ. "Con hơn cha là nhà có phúc" người ta vẫn nói vậy để tự an ủi cho số phận mình. Xin lỗi cha, riêng sự nhận biết cái giả, cái chân con ý thức được sớm hơn cha. Chính cha đã thổ lộ với con điều đó khi cha viết thư trả lời thư con gửi cho cha từ trong chiến trường. Con đã nói với cha rằng: ngoài đời con thấy bất công nên con đòi đi lính để rồi khi hết chiến tranh có thể góp phần xóa đi sự bất công, nào ngờ ở trại lính giữa chiến trường bất công vẫn nhăn răng cười "ngạo nghễ". Thế đấy cha à, cái lý tưởng làm nghề "thợ bạc" của con để hòng gạt bớt bất công ư? Thật ngớ ngẩn và vào cái thời điểm này lại càng thấy vớ vẩn. Hàng vạn người lính chết trận mà trong "Chinh phụ ngâm" đã than: "nào ai mạc mặt, nào ai gọi hồn". Họ cũng như cha và như con thời đó, tin rằng giai cấp sẽ được giải phóng mà không biết mình thuộc giai cấp nào và mình có được giải phóng không? Một sự mông muội, mù mịt cho đến lúc gần với trời hơn rồi mà con vẫn không biết con thuộc giai cấp nào đây(?!).
Có điều chi nỏ phải thì cha chớ trách con cha nhé.
****
Ông ngoại con ngồi nhà tù giai cấp
Cầm súng 30 năm, cha là đại úy muôn năm.
Cả đời con làm nghề "thợ bạc"
Chẳng mạ được cho cha chút ánh bạc của công bằng(!)

Thứ Năm, 2 tháng 6, 2016





BÂNG KHUÂNG


Sông Hồng nhớ gió cao nguyên
Nhớ trăng mười sáu treo trên đỉnh đèo.
Tiếng ai như suối trong veo
Chuông nhà thờ đổ xuống chiều bâng khuâng.
.......
hồ Tà Lùng (Đắk Lắk)-ảnh Kim Hương