Thứ Năm, 20 tháng 2, 2014

CÓ PHẢI LÀ ĐỒ DỞ HƠI

          
                                    CÓ PHẢI LÀ ĐỒ DỞ HƠI ?
   


 Đó là khi còn sống ông ngoại nhận xét về cha con nhà mình, thậm chí ông còn bảo: nhà mi TAM ĐẠI NGU. Mấy chục năm suy ngẫm bây giờ thấy ông ngoại nói đúng quá.
         Mình sinh ra trong một gia đình quá tuyệt vời về lý lịch. Này nhé! Khi Xô viết Nghệ-Tĩnh dậy lên (ông nội mình bảo đó là "loạn cộng sản"),chẳng biết nó là cái quái gì nhưng nghe người ta nói là đi đòi cơm áo và tự do, ông nội mình vác gậy tre đi theo. Tuy chẳng được thêm cơm, thêm áo lại còn may là không bị trúng bom ngày 12.9 ở Thái Lão nhưng theo ông nội thì :"Đây là cuộc tập dượt cho CM tháng Tám sau này". Tuyệt!  Sau ngày CM tháng Tám (mà ông nội gọi là "đảo chính") ông nội được bầu vào cái gọi là HĐND xã nhiều khóa lại còn được ông Phạm Văn Đồng ký tặng cho cái bằng khen, Cụ Hồ thì gửi cho bức ảnh của Cụ với dòng chữ được in sẵn :"Tặng chiến sỹ diệt dốt" vì thành tích diệt dốt, thế thôi. Mà chữ ký của Cụ Hồ cũng in sẵn luôn.
         Cha mình thì không thèm vác gậy tre mà vác súng hẳn hoi nhé. Tuy là súng vớ vẩn nhưng là súng bắn chết người. Thật đấy! Khi đi lính cha mình đang học lớp "đệ nhị" ở trường trung học Vinh. Học trường của Tây lại bỏ và vác súng đi đánh Tây. Kỳ quặc thật! Có lần mình hỏi : "Sao học trường Tây mà bố lại bỏ để đi đánh họ?" Cụ bảo :"Học cái văn minh của người  Pháp còn đánh là đánh thực dân Pháp để đòi tự do, độc lập và cơm áo". Mấy thứ cha mình đi đòi đến nay cụ có cả , trừ tự do. Mình không nói sai đâu bởi trong một bài thơ của cụ có câu mình thấy hay hay:
                "Có những câu thơ gọt đầu cho vừa mũ
                Có những câu thơ gọt chân cho vừa giày
                Những câu thơ bán trời không văn tự
                Bơi giữa dòng đời chua ngọt, đắng cay".
Chắc là cụ bức xúc vì bị mấy đứa bằng tuổi con mình nó kiểm duyệt, cắt bỏ mất ý tứ của cụ. Mà cũng có thể vì chế độ này nó thế, không khen "nó" là đã chết rồi mà chê "nó" coi như chết hẳn.
            Cha mình cầm súng 30 năm, ra về với quân hàm đại úy nhưng có một rổ con đựng đầy huân chương và 4-5 đầu sách gì đó. Cụ là một trong những người xúi dục thế hệ mình ra trận bằng thơ. Trong bài Đường ra mật trận cụ vẽ thế này:
                 Phơi phới bước đường ra mặt trận,
                 Nắng quê hương ấm áp rộn đi theo,
                 Mái Trường Sơn lợp bóng mây chiều,
                 Sông Bến Hải sục sôi về biển cả.
                 Mối thù khắc lên cây, lên đá
                 Thù kiếp cha ông, thù của cháu co
                 Thù riêng ta, thù chung cả nước non
                 Thù giặc Mỹ hằn sâu từng vầng trán.
                 Ta muốn sống cuộc đời thanh thản
                 Mẹ cha ta bưng bát cơm đầy
                 Vợ soi gương chải tóc buổi ban mai
                 Con nhỏ bắt bướm bay trong nắng
                  ..........
                 Xôn xao tiếng gọi núi sông,
                 Ai ra mặt trận đi cùng đêm nay,
                 Đánh cho giặc Mỹ tan thây
                 Phố nhà xưa đổ lại xây đàng hoàng.
         Cụ là nhà thơ quân đội, hội viên sáng lập Hội nhà văn Việt Nam. Chẳng là khi cụ đang học lục quân ở Trung Quốc, cụ phụ trách tờ báo tường nên số báo nào cũng phải có bài, sau này hòa bình cụ biên tập lại gửi cho cụ Nguyễn Đình Thi nhờ góp ý. Khi đó ở Hà Nội đang có cuộc thi của Tuần Báo Văn nghệ, cụ Thi đưa cho cụ Tố Hữu xem rồi các cụ ấy đưa vào dự thi luôn. Bất ngờ tập thơ "Chiến sỹ" của cha mình được giải 3 sau 2 tập thơ "Việt Bắc" của cụ Tố Hữu và "Ngôi Sao" của cụ Xuân Diệu. Một anh nông dân, cầm súng, tập tọng làm thơ trở thành tác giả cũng gây sốc mãi đến bây giờ. Gần đây Huy Đức có bàn về giải thưởng này trong Bên thắng cuộc. Tuy nhận xét có vẻ khách quan về thơ nhưng Huy Đức không biết cha mình từng nói : "Khi có đến 80% người Việt không biết chữ thì tôi mới được giải, còn như bây giờ dải rút cũng không có". Mình thì lại nghĩ: thơ của "giai cấp công nông" mà không trúng giải mới là lạ, hồi đó Hữu Loan có "màu tím hoa sim" hay đến bây giờ nhưng "sặc mùi tách tách sì" (tiểu tư sản) nên trượt là chí phải. Từ cái giải đó, hội nghị thành lập Hội nhà văn Việt Nam có cha mình tham dự, thế là thành hội viên sáng lập. Vui thật!
           Có điều cuộc đời binh nghiệp và thơ nghiệp của cha mình chẳng là gì cả. Mình đã đọc trong một cuốn sổ tay của cụ có mấy câu thơ này:
                Năm mươi tuổi đeo quân hàm đại úy
                Nghĩ đời ông thật cũng nực cười
                Cầm súng, làm thơ thành "chiến sỹ" 
                Làm lính, làm quan, làm trợ lý
                Từ thằng, lên ông, rồi lên cụ như chơi.
Sau này khi mình có con rồi có cháu, cụ bảo: "Cháu sinh ra ông, chắt sinh ra cụ, còn mọi sự hư danh mấy ai mang theo được xuống mồ".
          Cha mình xúi dục bọn mình ra trận bằng bài thơ Tiễn con. Thời đó cô Linh Nhâm thỉnh thoảng lại ngâm trên đài Hà Nội. Mình nhớ:
               "Sáng  nay con ra đi
                Cha đứng uy nghi dáng người chiến sỹ
                Cha đồng chí, đón con đồng chí,
                Cha trao con chiếc mũ đính sao vàng
                Sao lung linh từng bước dẫn đường".
          Mình đi lính từ bài thơ đó, hơn 5 năm liên tục ở chiến trường cho đến ngày miền Bắc thắng miền Nam (thời Nguyễn Ánh-Gia Long thì miền Nam thắng miền Bắc). Mình đi khác với cha mình, lúc đó thế hệ mình có máy bay, tàu chiến, tên lửa, đại bác to vật. Suốt cả cuộc đi của mình trong quân phục lính bộ binh, từ Trị Thiên đến Công Tum về Thượng Đức- Quảng Đà, rồi cuối cũng gục ngã tại Núi Bông-Núi Nghệ, cửa ngõ thành Huế. Đánh không nhớ là bao nhiêu trận , có nhiều trận thua bỏ chạy trối chết, nhưng dù sao thì thắng trận nhiều hơn. Có thế miền Bắc mới thắng trong chiến tranh, cuộc chiến tranh mà ông Lê Duẩn gọi là cuộc "đụng đầu lịch sử" còn mình thì đó là cuộc nội chiến không hơn, không kém! Hết chiến tranh chẳng biết người ta nghĩ sao còn mình hơi tiếc vì khi ra đi mình khoác lác là trở về mình mang quân hàm cao hơn cha mình. Tuổi trẻ mà ngạo mạn, hiếu thắng nhưng cũng may cho Đảng, nếu không có sự nông nổi, hiếu thắng đó thì chẳng biết cái gì sẽ đến. Đi đến giờ mới ngộ ra rằng GIAI CẤP nằm đè lên DÂN TỘC. Anh bạn 4 tốt mà người cùng thời cụ Lê Duẩn gọi là kẻ thù truyền kiếp "đang uốn lưỡi cú diều sỷ mắng triều đình" mà triều đình lặng im không nói chỉ lẳng lặng khắc lên Mười sáu chữ vàng chói lóa. Tuổi trẻ bây giờ còn hiếu thắng không nhỉ? Nhưng chúng chém nhau suốt ngày và khắp nơi như vậy cũng đủ rồi, cần gì mà kích động chiến tranh khi cùng giai cấp, cùng ý thức hệ, trừ khi anh bạn 4 tốt lại làm cú bất ngờ như tháng 2 năm 1979.
          Nhà mình không dừng lại ở đó, năm 1977 thằng em thứ 3 của mình đi "xâm lược" Miên, năm 1980 thằng em thứ 4 lên biên giới chống ĐỒNG CHÍ  Tàu, tất tần tật đàn ông nhà mình đi lính, chỉ khổ mẹ mình mỏi mất chờ mong. Nhà mình đại phúc, 4 cha con không ai chết trận, chỉ có mình là thương binh chống Mỹ còn cha mình là thương binh của Đảng vì ông ngoại mình-bố vợ cha mình-là người bị Đảng bắt tù những 2 lần do thời Tây dám buôn bán với Tây. Họ bắt tù cụ khi Tây đã cút về Tây rồi. Không phải là thương binh của Đảng thì sao cũng đọc được sách Tây, lại còn làm thơ bằng chữ Hán để mừng thọ cụ Võ Nguyên Giáp (thời cụ Giáp bị người ta tính đâm cho thủng giáp) mà cha mình: 
             "50 tuổi đeo quân hàm ĐẠI ÚY
              Qua ba cuộc chiên tranh vẫn bị gọi bằng thằng" 
(thời cha đang là quân nhân người ta gọi cán bộ làm tuyên huấn bằng thằng vì hay "nổ", chức vụ trước khi rời quân ngũ của cha mình là trợ lý văn nghệ của Cục Văn hóa, Tổng cục chính trị QĐND Việt Nam). 
              Ông bố vợ ngồi nhà tù giai cấp 
              Con rể ông ĐẠI ÚY MUÔN NĂM!
            Nhân đây chép lại bài thơ cha mình mừng thọ cụ Võ Đại tướng (năm 1991) bằng nghĩa của chữ Hán:
                      Chung thân bằng hữu thị nhân dân,
                      Vi tướng, vi sư, vi nghĩa nhân,
                      Văn , võ song toàn nguyên giáp giả,
                      Tâm tri thiên hạ sự như thần.
             Dịch tạm:
                       Suốt đời là bạn bè của nhân dân
                       Là thầy, là tướng, là nghĩa nhân,
                       Là sứ giả cúa sự hoàn thiện cả văn và võ
                       Hiểu lòng thiên hạ, và trong lòng thiên hạ coi (ông) như thần.
            Trở lại chuyện ông ngoại mình. Ông ngoại  ít chữ nhưng nói rất đúng: "Nhà mày TAM ĐẠI NGU". Mà ngu thật, cha mình đạị úy, mình tuy là trung đội trưởng nhưng đeo lon hạ sỹ quan thôi. Khi hết chiến tranh Nam- Bắc, từ quân y viện 110 ở Bắc Ninh về Hà Nội thăm cha, mình gặp chú Khôi, chú ấy là bạn ông cụ nhà mình thuở hai người cùng học Quân chính QK4 (1950), chú làm cục phó Cục cán bộ, Tổng cục chính trị. Mình hỏi sao cháu là trung đội trưởng mà đeo hàm hạ sỹ quan? chú nói: nếu quyết định của cháu là trung đội bậc trưởng thì mới là sỹ quan được, cháu trở lại đơn vị thì từ dưới đó họ làm theo trình tự cho cháu. Nhìn cha mình theo Đảng 30 năm đeo hàm đại úy, mình về trại thương binh rồi chia tay quân đội ngay lập tức để trở lại nhà trường. Với vài ba tấm huân chương, dăm vết thương trên người và tấm bằng đạị học, mình cũng leo lên hàng tứ phẩm, ngũ phẩm trong triều đình chứ bộ nhưng vẫn ngu.  
            Từ năm 2012 ông cụ nhà mình ốm nặng đến bây giờ. Không thấy quân đội đến thăm, chỉ có đại diên của Đảng mang đến tấm huy hiệu 65 năm tuổi Đảng. Họ mang đến cùng với một ít tiền từ năm ngoái khi cụ mới 64 tuổi đảng. Mình hỏi sao mang đến sớm thế, đại diện Đảng bảo là sợ cụ "đi" mà không được nhìn thấy công lao của cụ góp cho Đảng. Người Việt Nam hay cười nhất thế giới là phải, Đảng mà cũng rất vui! Một hôm nhà văn Tô Đức Chiêu (là đồng đội của cha mình khi cụ làm quyền tổng biên tập báo Quân khu Bốn) đến thăm, cụ hỏi ông Chiêu có ra Đảng không? Ông Chiêu chưa kịp trả lời (thực ra chưa hiểu cụ hỏi gì) thì cụ nói luôn: "Chiêu thì mình không biết, còn mình thì kệ nó, cái gì trên đời này mà chả phải chết". 88 tuổi vẫn trăn trở việc có người bỏ Đảng như cha minh, không trách đại diện của Đảng mang huy hiệu 65 tuổi đảng đến tặng trước cũng phải.
             Ở làng mình có đôi câu đối trong nhà thờ họ Lê cũng hay:
                          Nhập thế phương tri đô thị mộng
                          Thử sinh độc hạnh bất vi nô. 
                   Nghĩa là:
                           Vào đời thấy đời là giấc mộng lớn
                           Sống trong đời hạnh phúc duy nhất là không phải làm nô lệ.
             Thật ra đó cũng chỉ là tiền nhân họ Lê mong cho con cháu cố làm sao sống được như vậy, nhưng không nô lệ cho thực dân này thì cũng nô lệ cho thực dân khác. Có điều chính sách nô dịch của thực dân mỗi thời một khác mà thôi.
                Chuyện rông dài cho đỡ thấy thời gian trôi nhanh. Với lại để con cháu mình đừng góp vào thành ra tứ đại, ngũ đại khôn thì hỏng bét nhất là khi Đảng đang tự lột xác mình. hi....hi!



9 nhận xét:

  1. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa
  2. Bài viết hay quá, chắc cha con anh cùng chung lý tưởng cộng sản 100% anh Thái nhỉ
    Chúc mừng anh có một lý lịch tuyệt vời ,đang trân trọng

    Trả lờiXóa
  3. Phù phiếm mà em. Thứ đó không nằm trong "tứ ệ"

    Trả lờiXóa
  4. Bây giờ chắc Song Thu gọi anh bằng anh mới đúng. Cứ nghĩ là anh vẫn còn trẻ kia đấy ai dè cũng là lính thời chống mỹ zùi. Người đâu mà làm thơ đã hay, viết văn lại tài rứa? Đúng là con nhà tông chẳng giống lông cũng giống cánh thiệt
    Còn chuyện cụ ngoại nói về gia đình ta như vầy em không dám lạm bàn. Nhưng em thấy người ta nói rằng cả dân tộc mình bị lừa đó anh ạ. Có lẽ đúng chăng?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn chị Song Thu đã ghé thăm và có lời khen nữa.
      Thời ông K.Mác không có internet nên ổng chỉ thấy có GIAI CẤP thôi. Nếu K.Mác sống đến ngày nay chắc là ổng bỏ thuyết "Đấu tranh giai cấp" chị ạ.

      Xóa
  5. Vô Hồ Thái Hà lại thành ra Hồ Quốc Thái là răng hè.
    Tui đã đọc bài ni một lần nhưng hồi đó chưa còm được.
    Ông viết dí dỏm mà sâu cay, tâm sự
    nằm đằng sau từng con chữ ngẫm nghĩ mới thấy hay.

    Trả lờiXóa
  6. Hỏi tên: Quốc Thái họ Hồ
    Hỏi quê: Xứ Nghệ đi mô nhớ về
    ....
    Đùa tý cho vui Bu ơi, tên cúng cơm là Hồ Quốc Thái, bí danh Thái Hà. Bên blog hồi này "hẻo" quá nên sang f cho vui. Bên này vừa có bạn trên mang, bạn lính cũ, bạn học, bạn đồng nghiệp. Có cả con cái, anh em, cháu chắt. Vui ghê luôn hà.

    Trả lờiXóa