Thứ Ba, 29 tháng 12, 2015

sắp xuân






Đông chí len qua cửa
Nửa mùa đông đi rồi
Có một lời thương nhớ
Tính gửi...nhưng mà thôi.

Giọt đông rơi lóc cóc
Sương che nửa Hằng Nga
Nhớ ủ mềm trong nhớ
Xuân sớm hẹn chờ ta.

Thấy sau lưng ấm áp
Như gió xuân nồng nàn
Mùa xuân chừng đang đến
Nghe tiếng cười hân hoan?

Thứ Bảy, 7 tháng 11, 2015

SAO MÀ LẠI NHỚ LAI CHÂU
















































Lên Hoàng Liên ngủ chung với núi
Đắp tấm chăn mây thủa Mẹ Âu Cơ,
Hoa ban trắng và da con gái Thái
Có thế thôi, muốn ở lại với Sìn Hồ.

Đêm lửa trại dịu dàng tay em rót
Giọt nồng ơi, cứ thấy 
mắt cay cay,
Tiếng đàn níu câu khắp tua*em hát
Anh phiêu bồng với điệu xòe say.


Bên bếp lửa em ghé tai bảo nhỏ:
Măng đắng, tắm truồng đệ nhất Lai Châu.
Nụ cười em làm hồng ngọn lửa
Dải lưng xanh hay dải yếm bắc cầu?

Chia xa núi mai anh về với biển
Xuôi Ô Quy Hồ lòng dạ bâng khuâng
Đêm trở mình đụng vào màu trắng Thái
Ngày quờ tay chạm phải tiếng khèn Mông.
  

Tàn lửa trại em trao lời đắm đuối:
Anh đừng quên tắm suối Lai Châu
Sao lại thẫn thờ như bị ma bắt thế
Dải lưng em đã buộc được anh đâu?
                                  
Lai Châu ơi, sao làm anh nhớ                      
Điệu xòe, khắp tua, măng đắng, khèn Mông,
Con gái Thái và nõn nường hoa ban nữa
Hay đôi mắt em lúng liếng rượu nồng?
…….
*Khắp tua tiếng Thái là hát giao duyên                                          

Thứ Sáu, 2 tháng 10, 2015

biển chiều

                   

                             


Gió lăn tăn,

sóng cũng lăn tăn

Mây một chút,

cát cũng vàng một chút,

em đứng đó,

mắt chờ trong heo hút,

Thu đang trôi,

đông gõ nhịp.

Biển chiều.

        *    

Trời xanh xanh

biển cũng xanh xanh

Màu cát trắng 

thu gửi vào sợi nắng.

Mỹ Khê ơi!  

Ngao ngán chiều trống vắng

dù anh ở đâu

em vẫn đợi

anh về.

 


 

Thứ Năm, 3 tháng 9, 2015

Thu sớm đang về đúng hẹn






thu sớm đang về đúng hẹn



Chẳng phải như mùa thu trước
Ai về thánh thót mưa rơi
Đời cũng xô nghiêng sũng nước
Mây đen vần vũ kín trời

Thu sớm đang về đúng hẹn
Dòng sông hoa cải nhuộm vàng
Thơm hương cánh đồng gặt hái
Một mùa no ấm mênh mang.

Chẳng phải như mùa thu trước
Người về chập choạng cánh dơi
Lửa chài bến sông leo lét
Khản lời ai gọi “đò ơi!”

Thu sớm đang về đúng hẹn
Cây cầu nối nhịp bờ vui
Đường làng ngỡ ngàng như  phố
Nghe câu ví giặm gọi mời.

Chẳng phải như mùa thu trước
Cánh diều úa cỏ bờ đê.
Tiếng trẻ não nùng khát sữa
Héo hon ai đợi ai về

Thu sớm đang về đúng hẹn
Heo may hồng má em xinh
Nụ cười sang sông lấp loáng,
Trẻ con học nói tiếng Anh.
                              
Thu sớm đã về đúng hẹn
Dòng sông rực rỡ cờ sao
Trăng thu trải vàng ánh lụa
Pháo hoa giăng ngợp trời cao.

Thứ Sáu, 14 tháng 8, 2015

tình trăng



tình trăng





Ở thành phố mấy người nhớ trăng ?
Điện  sáng, phố thì không yên tĩnh.
Nơi hải đảo, biên cương
Tình nghĩa nào như trăng và lính,
Trao thương cho nhau tận chót vót đỉnh đèo,
Gửi nhớ đến nhau trên chơi vơi ngọn sóng.

Nơi làng quê
Trăng soi luống cày xếp ải,
Trăng soi để hạt nảy mầm,
Mẹ quay tơ vàng dưới trăng
Anh tát nước say trăng ra về quên áo.
Từ trên cao trăng soi muôn nẻo
Dưới trần gian dễ ai thấy được tình trăng?

Thứ Hai, 10 tháng 8, 2015

Ước vọng của ngàn thu

ước vng ca ngàn thu





















Một chút heo may làm ta rạo rực
Bâng khuâng nhớ những thu qua,
Ngày ấy cùng thu đi đánh giặc
Trở về  khi thu chớm sang mùa.
          Bao năm Trường Sơn cầm súng
          Nuôi ước mơ trong chí căm thù
          Bao mùa thu chiến trường, đồng đội
          Chiến thắng trở về, cả nước một mùa thu.
Ta chẳng thể quên những mùa thu ấy
Dưới chiến hào vẫn nhớ bờ mương
Bên vách đá Trường Sơn lối nhỏ
Nhớ sông Lam cát mịn con đường.
          Đường hành quân ngắt vội cánh hoa rừng,
          Nhớ hoa cúc nở vàng màu nắng.
          Đêm chờ giặc giữa rừng thu hoang vắng,
          Nhớ đêm rằm thuở nhỏ đón thu sang.
Từ Hà Giang đến Cà Mau vui mùa thu mới,
Thu hôm nay ước vọng của ngàn thu.
Ta lại về giữa lòng Hà Nội
Trong nắng thu rực đỏ màu cờ.
          Bác vẫn đứng giơ cao tay vẫy
          “Đồng bào nghe tôi nói rõ không?”
          Một tiếng “Rõ” muôn triệu trái tim đáp lại
          Đội ngũ trang nghiêm, cả nước lên đường.
Dắt tay em đi trên đường hạnh phúc,
Giữa mùa thu ước vọng của ngàn thu
Thế hệ mai sau vẫn cùng ta tiến bước
Hội nhập bạn bè bốn biển, năm châu.
                                  

Thứ Sáu, 24 tháng 7, 2015




 viếng vong hồn liệt sỹ Lê Quang Vinh
 
                               (hy sinh 23 giờ 11/6/1972 trên rừng Hương Trà-Thừa Thiên)


Ba thằng tao giờ còn bốn mắt
Bốn bàn chân và chỉ bốn bàn tay
Bốn đứa cùng ra đi, ba trở về què quặt
Mỗi mình mày hòa vào đất nuôi cây.

Phũ phàng ơi đêm ấy B52

Trái bom mồ côi rơi trúng hầm mày trú 
Tan nát cả năm đứa đại đội mày đang ngủ
Những mảnh vụn chúng mày chúng tao gói thành năm.

Không phải riêng mày,

                                      cả hàng vạn người làm gì có nghĩa trang
Hương thắp cho mày chúng tao đốt trong lòng âm ỉ
Hôm nay đã hết kẻ thù, chỉ còn anh bạn Mỹ 
Nếu trở về đừng ngạc nhiên nhé mày ơi.

Ở ngoài kia người ta khắc bia ghi nhớ đời đời

Có cả mày vì mày là liệt sỹ
Chúng tao không làm sao kiếm cho mày mộ chí
Hai dứa thợ cày buông súng về nuôi bò cái
trí thức nửa mù nửa đui như tao thành đứa vô tâm.

Từ xa xưa ai đó nghĩ ra Rằm tháng Bảy lịch âm

Đốt vàng hương phủ dụ những vong hồn phiêu lãng
Giờ Hai Bảy lịch dương cùng tháng
Ngàn vạn người ngược xuôi, xuôi ngược tri ân.

Thắp hương cho mày chúng tao thắp trong tim

Mày đâu chết  vào những ngày tháng Bảy.
Ôi mày ơi! tất cả những gì chúng tao đang thấy
Họ đua nhau tìm vào dĩ vãng để ăn mày.
                                    
Giá như ngày xưa tao cũng trúng B52
Để được tri ân vào ngày tao không chết
Ba thằng tao giờ còn bốn mắt
Bốn bàn tay và chỉ bốn bàn chân
Ăn theo mày chúng tao cũng được nhớ ơn
Tất nhiên nhớ khi chúng tao chưa chết
Người Mỹ nói "the end" người Việt là "chấm hết"
Mẹ kiếp đời! Mẹ kiếp chiến tranh.

Ôi xưa là thằng nay lại gọi là anh

Những cái chết có trở thành vô nghĩa?
Mà bia đá vẫn ghi "Đời đời nhớ ơn liệt sỹ"
Còn bọn bất lương dùng chiêu ngoại cảm kiếm ăn.

Cuộc đời ơi! Sao nỗi đau cứ cuộn vào tim?


                                     





                                                                                                       
                                                                                                             

Chủ Nhật, 28 tháng 6, 2015







 Nhớ bông hồng chợ Thượng
                                           
                                                   Tặng anh Hồ Quốc Thái

Cái thuở hàn vi gặp bóng hồng
Qua đò chợ Thượng vẫn còn không
Môi xinh trộm gửi đành in trí
Mắt biếc thầm trao phải nặng lòng

Hến ngọt dâng mời sao chẳng nhớ

Tình thương mến tặng mãi thêm nồng
Buổi về  bên ấy anh hoài niệm
Ở lại bến này em những mong
             
                                              La Giang   12.2014
                                                                                         Bến Chợ Thượng-Sông La




    
     Nhắn với La Giang-cô hàng hến

    



Bạn quý tặng ta tứ thơ vàng
Ôi tình bằng hữu thật cao sang
La giang một dải liền Tịnh-Nghệ
Người cũ trong tim vẫn nặng lòng.

Chợ Thượng* bây giờ bến còn đông
Còn cô hàng cá thắt lưng ong,
Con gái Thọ Tường còn bán hến
Họ có hay sang phía chợ Rồng?**

Mấy mươi năm trước ai còn nhớ
Một cậu học trò dáng ngẩn ngơ
Gặp cô bán cá xinh xinh ấy
Bỏ học theo cô suốt mấy giờ.

Nể tình chàng “ngố” biết làm thơ
Cô nhận lời khi hắn hẹn hò.
Bom Mỹ thả, nước sông La nhuốm máu,
Ôm súng ra đi hắn dặn chờ.

Đường kháng chiến cứ dài theo bao gạo
Đạn bom làm đời hắn úa khô
Ngày hắn trở về qua chợ Thượng
Hay tin cô bán cá sang đò.

Bốn mươi năm hắn ôm buồn đi dạo
Khắp non sông chẳng thiếu nơi nào
Rồi cũng mấy lần về Đức Thọ
Tìm con đò xưa không biết đậu bến nao.

Thôi bạn nhỉ bóng hồng chợ Thượng
Còn bén duyên xin hẹn kiếp sau
Nhắn với La Giang-cô hàng hến
Một lời rao: "Ai ăn hến không nào"?
............

*Chợ Thượng làng Trường Xuân-Đức Thọ, Hà Tịnh, (bờ Bắc sông La).
**Chợ Rồng làng Trung Cần-Nam Đàn, Nghệ An, (bờ nam sông Lam)

Thứ Năm, 25 tháng 6, 2015

dòng sông hoàng hôn                                                      



Một phương ấy mấy mươi năm thương nhớ,
Trăng xưa, bến cũ với duyên này.
Hai thái cực hợp tan, tan hợp
Rượu đào sao uống mãi không say?

Bờ bãi biếc ngóng trông ai chiều nay
Màu gió tím thổi về miền dĩ vãng
Tiếng ầu ơ xa vời bảng lảng
Đan vào thinh không chiếc quạ kêu sương.

Mặt nước dềnh lên khi sương xuống chiều buông
Dòng sông vắng, bóng con thuyền loi lẻ,
Bờ cỏ ướt dế nỉ non, non nỉ
Gieo khúc sầu vào chiều muộn lâm ly.
   
Vời vợi quá phương xa ấy ơi!
Bến hoàng hôn ai có chờ có đợi
Thời gian chảy, thời gian lững lờ trôi mãi,
Chiều sông buồn...
                                 một phương ấy...
                                                               nhớ khôn ngôi

Thứ Tư, 27 tháng 5, 2015

100 ngày bố đi

 




                                                                        Cha tôi ở chiến trường Quảng Trị năm 1966




   Đến ngày 29 tháng Năm này là 100 ngày Bố ra đi. Nói dại mình cũng muốn được đi bằng cái tuổi của Cụ-kém 3 tiếng đồng hồ đầy 90 tuổi. 21 giờ đêm 30 Tết Ất Mùi Người đi mà không nói điều gì. Sáng hôm ấy Người muốn mà không nói được. Trước hôm ra đi hai tuần Người đã không nói mà chỉ nhìn con cháu rồi nước mắt ứa ra mặc dù Cụ đã có chắt đích tôn. Hai năm bốn tháng tròn nằm trên giường bệnh nhưng lúc nào cũng một câu hỏi đầu tiên khi gặp con  là : "Quân ấy thế nào" (ý Cụ là mấy đứa cháu và bốn đứa chắt thế nào) và câu tiếp theo :"Tình hình chính trị có gì không?". Cụ đã rất buồn khi biết tin Trung Quốc gây hấn trên biển Đông. Chỉ buồn thôi vì Người đã được T.Q cưu mang khi học lục quân Khóa Bảy mấy năm ở bên đó. Hồi trẻ Cụ đã học Nho sau đó mới học Tây. Rất sành văn chương Tàu và làm thơ cả bằng chữ Hán nữa. Anh em mình đang tính xuất bản tập thơ bằng chữ Hán của Cụ. Mấy năm chú em cấm vận thông tin với Cụ, nó không cho xem ti vi và nghe đài vì cụ rất dễ bị xúc động khi bắt gặp những thông tin gây tác động tâm lý. Có lần cho Cụ hay tin anh Hồ Đức Việt mất Cụ mất ngủ mấy ngày liền. Sinh thời Cụ bảo: "Con là trưởng nhưng làm cái nghề "mặt sắt đen sỳ" (ý Cụ là nghề tư pháp-mượn chữ trong Kiều của Ng.Du) nên bố mẹ không ở với con, thằng em là bác sỹ bố cho nó ở với bố mẹ". Nó cấm vận thông tin Bố mấy năm trời vì nó là bác sỹ, nó quên mất rằng chữa bệnh không chỉ có thuốc mà tinh thần còn hơn cả thuốc, còn chết ư? có số rồi, trời định cho mỗi người một cách chết và một thời khắc để ra đi. Thế nên Cụ còn thiếu 3 giờ đồng hồ nữa mới sang tuổi 90.
      "Khóc như cha chết" là thành ngữ của người Việt để nói lên sự buồn thương trong những mất mát lớn của đời người. Vậy mà Bố mất mình không khóc, cả thằng đích tôn của Cụ cũng vậy. Hại cha con đun nước gừng lên rồi cùng nhau tắm rửa cho Cụ, thay quần áo mới,chải đầu, cạo râu và làm tất cả mọi việc cần làm. Đúng 22 giờ xe nhà tang lễ đến đưa Cụ đi vào nhà lạnh. Đến tận bây giờ mình cũng không giải thích được vì sao mình đã không khóc mặc dù trong nhà mình là người sống với Cụ nhiều nhất (Mẹ mất trước Bố 6 năm 2 tháng 10 ngày, nếu không tính xa cách do hai cuộc kháng chiến thì Mẹ sống với Bố gần 60 năm thôi). Ngoài việc Bố cho mình cuộc đời này, mình với Bố còn có nhiều sự gắn bó mà không phải ai trong gia đình cũng có. Đặc biệt Cụ có ngày vào đảng Cộng sản cùng với sinh nhật của mình, tuổi đảng của Cụ là tuổi đời của mình. Khi đi học vỡ lòng mình đã theo Bố ra kinh thành Thăng Long. Chiến tranh, giặc Mỹ leo thang ra miền Bắc mình lại theo Bố về khu Bốn rồi chính tại quê hương Người đã tiễn mình ra trận bằng bài thơ Tiễn con mà cô Linh Nhâm cứ thường ngâm trên sóng đài tiếng nói Việt Nam trong rất nhiều năm thời đó. Mình thường nói với đồng đội mỗi khi nghe cô Linh Nhâm ngâm bài thơ thời còn ở chiến trường rằng đó là bài thơ "xui dại", mình vì nó mà gặp các cậu ở đây. Mãi sau này khi bạn bè và đám lính cũ gặp nhau có đứa vẫn ngâm nga vài câu để nhớ một thời đám "hậu duệ" của các quan đều phải biết hy sinh trước thiên hạ. Ngẫm thời nay mấy cha Cộng sản "DỎM" chỉ là bọn vớ vẩn khi tìm mọi cách để kiếm chỗ cao sang cho con cái. Đảng ngày nay nó bị dân mất tin vì sự thoái hóa của đám cộng sản cơ hội.đó. Mẹ kiếp! Bao giờ Đảng như ngày xưa nhỉ?
       "Sáng nay con ra đi
      Mẹ tiễn con mang hương đồng lúa chín
      Mang nụ cười sang sông lưu luyến
      Trong nón chung chiêng ngày trước tiễn cha
      Mẹ mang theo ánh nắng quê nhà
      Mẹ mang cả tình thương của mẹ
      Bóng nôi đưa, tiếng ru hời nhè nhẹ
      Như cánh cò bay lả bay la.
   
      Sáng nay con ra đi
      Em nhỏ của con đến trường  mang theo cờ đỏ
      Mang sách trắng tinh, điểm từng nét vẽ
      Mang bóng trường làng con học năm xưa.
      Loi thoi hàng dương, lấp loáng cành dừa.
      Mỗi bước lon ton, mỗi lời thỏ thẻ.
      Chúng muốn gửi anh cả tuổi thơ bập bẹ.

      Sáng nay con ra đi
      Cha đứng uy nghi dáng người chiến sỹ,
      Cha đồng chí đón con đồng chí,
      Cha trao con chiếc mũ đính sao vàng
      Sao lung linh từng bước dẫn đường.
      Cha trao con đôi dép lốp
      Dép từng đi chiến trường Nam-Bắc
      đạp xác thù, đạp chông gai
      Dép theo cha vượt suối, dốc dài.
      Cha trao con chiếc que xâu dép
      Của người bạn anh hùng hy sinh trên Rú Quyết
      Nghĩa người thân con hãy nhớ công ơn
      Người dọn đường, lấy máu giữ quê hương.
   
      Cha muốn trao con tất cả
      Sông nước, đất trời, mây gió
      Trái tim thắm đỏ một màu
      Giữa nắng Thu- vàng lên đỉnh ngọn cây cao.
      Đi đi con bạn bè con đang đợi
      Tiếng súng xa như gọi
      Con đi chân cứng-đá mềm"
     
        Chính lúc này đây, chép lại bài thơ cũ của cha, mình lại ngân ngấn lệ không chỉ vì thương cha phải đưa đứa con đầu lòng yêu quý của mình đi ra mặt trận để rồi nó có thể không bao giờ trở về. Mình thương một thời vì Tổ quốc thiêng liêng mà cả dân tộc ra trận không một ai tính toán thiệt hơn. Ôi một thời cực kỳ vỹ đại, thời đó nay đâu?
      Nhiều đêm không ngủ mình cố lý giải cho việc Bố mất mà mình không khóc và rồi mình nghĩ "Với mình Bố vẫn đang đi vắng như ngày xưa Bố vẫn làm lính và ra đi", nhất là cách đây vài năm, trong tác phẩm mới nhất của Bố "Mặt trời đồng đội" có bài Lời dặn
       "Nếu ta nằm lại nơi này
       Lặng im như đất nuôi cây đến già.
       Ta là lính, đâu là ma
       Lễ nghi xin chớ rượu, gà, oản, xôi.
       Xin đừng vẽ ảnh bôi môi
       Huân chương hai mặt cũng thôi đừng cài,
       Đừng đưa lên báo lên đài
       Nghĩa trang Mai Dịch* cho ai nghe nhầm.
       Xin đừng ai viết điếu văn
       Ngợi ca công đức tháng năm vật vờ.
       Cũng đừng khắc tên nhà thơ
       Vào nơi cát bụi nương nhờ hoàng hôn.
       Thi hài ta đưa về chôn
       Dưới chân Thiên Nhẫn** bên cồn Thám Hoa,
       Đất vàng ấm mộ mẹ cha
       Nghĩa tình làng xóm gần xa nối đời,
       Chè xanh ngát đậm hương trời
       Sông Lam sóng vỗ ru lời đò đưa.
       Ta nằm ôm bóng trăng xưa
       Mới hay tất cả như chưa biết gì."

Bài thơ của Cụ, mình tâm đắc nhất câu kết. Khi nằm xuống coi như mình chưa sinh ra, chưa biết điều gì. Sinh thời Cụ nghiên cứu nhiều về Lão Tử-vi vô.
.........
   * Nhà Bố-62 phố Mai Dịch, ở đó có nghĩa trang phường Mai Dịch và nghĩa trang "quan lớn" cùng tên
   ** Dãy núi nằm giữa Nam Đàn (Nghệ An), Hương Sơn và Đức Thọ (Hà Tĩnh), nơi có thành Lục Niên-căn cứ kháng chiến của Cụ Lê Lợi.
     

Chủ Nhật, 17 tháng 5, 2015

BỊP BỢM

            




          Các ông đừng bảo tôi nói "phét" nhé! Tôi đã một lần suýt thành liệt sỹ. Đó là sáng sớm 23.03.1975 khi Đại đội 10 và Đại đội 11 Trung đoàn 3 Sư đoàn 324 đánh chiếm cao điểm 303 (trong cụm cứ điểm Núi Bông, Núi Nghệ) tây nam Huế. Gọi cho oai có 2 đại đội chứ thực ra đại đội 11 có 10 tay súng, đại đội 10 nhiêu hơn 6 người. Xe tăng của đại đội Bùi Quang Thận có chiếc bị trúng mìn không vào được nên bộ binh khi xông lên cao điểm không có xe tăng dọn mìn bị mìn nổ thương vong . 3 lính C10 và 1 lính thông tin của tiểu đoàn chết tại chân hàng rào đầu tiên. Mình bị dính mảnh vào 2 bên đùi, vào cẳng tay, vào khóe mũi và nhiều chỗ khác. Lúc này đã lên quan Một nên mình bắt một lính {thằng Kỳ} cõng ra phía sau rồi được lính vận tải đưa vào trạm phẫu tiền phương. Mất máu quá nhiều nên khi vào đến phẫu mình chỉ kịp hỏi cậu y tá về mấy ông y sỹ mình quen. Không kịp nghe y tá trả lời, mình hôn mê từ chiều hôm đó. Hôm sau tỉnh dậy thấy họ buộc chân tay vào băng ca. Hỏi hộ lý làm sao lại thế. Nó bảo :"Cấp cứu ông liệt cò từ hôm qua tới giờ, tưởng ông "củ tỏi" rồi. Phúc tổ nhà ông". May chưa chết nhưng bị loại khỏi vòng chiến đấu từ ngày đó. Và từ đó đến nay có cảm nhận rằng : chết cũng đơn giản và dễ hơn là sống nhiều, nhất là sống bây giờ. Đặc biệt chết xong chả còn biết cái chó gì nữa đâu. Đứa nào nói liệt sỹ bảo thế này ,thế kia là nó Đ. biết gì (xin lỗi-vì bị kích động)  hoặc là BỌN BỊP BỢM. Đất nước mình bây giờ bọn bịp bợm nhiều như giòi vậy- từ trên cao xuống dưới đáy. Nhà ngoại cảm ư? Sao không đưa mả cụ nó vào "hàm rồng" mà táng cho nó phát, lại bịp người khác nhất là với thân nhân liệt sỹ? Đúng là bọn vô lương. Nhân loại ơi! Hãy cảnh giác với các loại bịp bợm thời @. Người chết mà còn biết được thì chẳng có đứa nào sợ chết cả.